Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Bài toán xử lý nợ xấu


Habubank - Tình hình có thể sẽ khó khăn hơn do ảnh hưởng từ kinh tế toàn cầu suy giảm. Có lẽ đã đến lúc tính đến bài toán xử lý nợ xấu.


Thấy gì từ cách làm của nước ngoài?

Gần đây có tin một số ngân hàng lớn của Mỹ (JPMorgan và Bank of America chẳng hạn) đã bắt đầu nỗ lực hoãn các vụ tịch thu tài sản để trả nợ và nỗ lực làm việc với các chủ nợ để họ vẫn có thể trả tiền.

Các biện pháp phổ biến là giảm lãi suất và giảm giá trị các khoản chi trả để người vay tiền vẫn có thể trả tiền và “không bị ném ra khỏi nhà” (nếu dùng nhà để thế chấp cho khoản vay). Liệu các ngân hàng của Việt Nam có nên giãn nợ, kéo dài kỳ hạn cho vay, giảm lãi suất hay khoan đòi nợ quá gấp một số người đi vay như các ngân hàng ở Mỹ?

Mặt khác, Mỹ và châu Âu cũng đã bơm tiền vào các ngân hàng, nhờ đó nhiều ngân hàng lớn đã mua lại các ngân hàng và tổ chức tín dụng nhỏ đang trên bờ vực phá sản. Hành vi thâu tóm và mua lại như vậy có thể giúp những chính sách hỗ trợ khách hàng của ngân hàng lớn áp dụng luôn cho khách hàng của ngân hàng nhỏ.

Đây là gợi ý rất tốt cho việc xử lý tình hình nợ xấu của ngân hàng Việt Nam. Nếu sắp tới nhiều ngân hàng gặp khó khăn do các khoản nợ xấu bắt nguồn từ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và xuất khẩu, thì các ngân hàng ít gặp vấn đề hơn có thể mua lại các ngân hàng có vấn đề, đồng thời Nhà nước có thể tính đến giải pháp hỗ trợ thanh khoản và vốn cho ngân hàng còn khỏe mạnh.

Có ý kiến cho rằng những giải pháp cứu thị trường của Mỹ là không thấm vào đâu, và chỉ là cầm máu tạm thời cho vết thương quá lớn. Nhưng rõ ràng là, bị thương chảy máu nhiều mà không cầm máu thì chết mất.

Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống và tạo điều kiện cho ngân hàng còn khỏe mua lại ngân hàng gặp vấn đề, để rồi các ngân hàng thỏa thuận với người vay để có một giải pháp đảm bảo người vay vẫn có thể trả nợ dần dần mà không bị siết nợ đến nỗi bị tịch thu tài sản hay phá sản. Điều này đặc biệt quan trọng nếu tình hình nợ xấu lan sang khu vực xuất khẩu.

Một giải pháp cũng có thể nghĩ đến là ngân hàng cho các khách hàng mới vay để mua lại các tài sản của khách hàng cũ với thời hạn vay dài hơn. Đương nhiên, khách hàng mới phải khỏe mạnh hơn khách hàng cũ.


Đặc điểm riêng của Việt Nam

Tuy có thể rút ra một số gợi ý từ cách làm của nước ngoài, nhưng cũng nên thấy những đặc điểm riêng của Việt Nam.

Thứ nhất, nợ xấu đối với lĩnh vực bất động sản của Việt Nam có điểm khác biệt với nợ xấu của các khoản cho vay thế chấp nhà ở tại Mỹ. Đó là một số dự án bất động sản của Việt Nam còn đang ở trên giấy, chứ không phải căn nhà hẳn hoi.

Mặt khác, các bất động sản của Việt Nam được bản thân doanh nghiệp và các nhà đầu cơ đẩy giá lên, vượt quá nhiều so với giá trị thật của chính bất động sản đó. Cho nên, độ rủi ro của chúng có thể là tương tự những chứng khoán được hình thành từ các khoản vay thế chấp bất động sản dưới chuẩn, chứ không phải là độ rủi ro của chính các khoản vay này. Nói cách khác, những dự án này tương tự như những tài sản “độc hại” của Mỹ.

Và kinh nghiệm của Mỹ cho thấy bỏ tiền vào cứu bản thân những tài sản “độc hại” này không phải là một cách tốt, mà nên bỏ tiền vào hỗ trợ ngân hàng, sau đó ngân hàng lại hỗ trợ cho người đi vay, chứ không phải là cho các tài sản “độc hại”. Nói cách khác, muốn hỗ trợ người đi vay của Việt Nam, cũng nên lựa người mà hỗ trợ.

Những tài sản “độc hại” kiểu dự án trên giấy có lẽ không nên cứu mà nên ưu tiên tín dụng cho xuất khẩu, kế đến là các khoản vay phát triển dự án bất động sản đáp ứng nhu cầu thực sự, loại bỏ những dự án đầu cơ và trên giấy. Muốn đạt được sự sàng lọc này, phải xuất phát từ chất lượng quản trị của ngân hàng, một điều có thể đạt được thông qua việc sáp nhập các ngân hàng.

Đặc điểm thứ hai là người Việt Nam ít chịu minh bạch thông tin. Ngân hàng, doanh nghiệp đều không minh bạch thông tin cho nhau, nên khó mà thương thảo (không tin nhau thì làm sao mà thương lượng). Về mặt này, vấn đề phụ thuộc vào năng lực của ngân hàng và doanh nghiệp.

Một số ngân hàng Việt Nam hiện nay đang chuyển đổi các khoản nợ kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài, vẫn tiếp tục cho vay mà tài sản đảm bảo là bất động sản, nhằm tăng vòng quay vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể trả lãi và vốn được.

Bên cạnh đó, với việc giảm lãi suất cơ bản và dự trữ bắt buộc, chúng ta cũng đang dần nhận ra tín hiệu cho thấy việc “xích lại gần hơn” giữa doanh nghiệp và ngân hàng. Các ngân hàng vẫn có thể chấp nhận một tỷ lệ nợ xấu nào đó để có thể tiếp tục tài trợ cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có phương án kinh doanh khả thi.

Vấn đề là, cần có giải pháp dự phòng trong tình huống thanh khoản các ngân hàng gặp khó khăn, cần đến vai trò của “người cho vay cuối cùng” là Ngân hàng Nhà nước.

Muốn gỡ nút thắt này, vấn đề cuối cùng, xem ra phải quay về những người thắt nút. Ai giỏi gỡ nút thì nên được Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn. Ai mà thắt nút chặt quá, giờ tự gỡ không ra, mà không chịu chấp nhận có người đến gỡ phụ (để ngân hàng khác mua lại hay đầu tư vào), thì nên bị trừng phạt.

Vấn đề có lẽ sẽ nan giải hơn nếu những ngân hàng có nhiều nợ xấu lại là ngân hàng quốc doanh, vì khó có thể để tư nhân mua lại ngân hàng quốc doanh. Khi đó có lẽ phải cấu trúc lại giữa các ngân hàng quốc doanh với nhau mà thôi, nghĩa là để các ngân hàng quốc doanh “hỗ trợ” lẫn nhau, nhưng ai đã gặp nhiều nợ xấu quá thì phải chịu “kỷ luật”, ví dụ như phải trả lãi suất cao hay ban giám đốc phải chịu trách nhiệm.

Giám đốc ngân hàng tư nhân không tròn trách nhiệm thì bị áp lực “kỷ luật thị trường” từ phía cổ đông, giám đốc ngân hàng quốc doanh mà không tròn trách nhiệm thì sẽ chịu kỷ luật gì đây?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét