Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

20 năm vững tin phát triển


Cuối năm 1986, Ban chuẩn bị thành lập Ngân hàng phát triển nhà Hà Nội (tiền thân của Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội - Habubank ngày nay) được thành lập tại trụ sở Ngân hàng đầu tư và phát triển Hà Nội dưới sự chủ trì của Nguyên Phó Thống đốc Nguyễn Văn Chuẩn cùng với sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Đầu tư và phát triển.

Tháng 7/1988, Tổng giám đốc Ngân hàng đầu tư và xây dựng Việt Nam ra quyết định số 192/TCCB-QĐ “lập ban chuẩn bị thành lập Ngân hàng chuyên hoạt động tín dụng và dịch vụ trong lĩnh vực phát triển nhà tại Thành phố Hà Nội”.
Tháng 12/1988, Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành quyết định số 139-NH/QĐ về “Điều lệ Ngân hàng phát triển Nhà Thành phố Hà Nội” đồng thời UBND Thành phố Hà Nội cũng ra Quyết định số 6719/QĐ-UB cho phép “Ngân hàng phát triển Nhà Thành phố Hà Nội được hoạt động kinh doanh trên địa bàn Thành phố Hà Nội kể từ ngày 2/1/1989”.
Tháng 1/1989, UBND Thành phố Hà Nội ra quyết định số 104/QĐ-UB về việc thành lập Ban trù bị Đại hội cổ đông lần thứ nhất của Ngân hàng phát triển Nhà Thành phố Hà Nội.

Tháng 3/1989, Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư xây dựng Việt Nam ra Quyết định số 223/NHĐTXD/QĐ giao cho Giám đốc Ngân hàng Đầu tư xây dựng Hà Nội cùng 1 số cán bộ của Ngân hàng Đầu tư xây dựng Hà Nội sang công tác biệt phái tại Ngân hàng Phát triển Nhà Thành phố Hà Nội. Cũng trong thời gian này, Đại hội cổ đông lần thứ nhất đã diễn ra, bầu Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát đầu tiên.
Tháng 4/1989, Habubank chính thức khai trương hoạt động tại số 125 Bà Triệu, Hà Nội.


Tháng 6/1992, sau 3 năm hoạt động thử nghiệm, với sự ra đời của Pháp lệnh Ngân hàng và Hợp tác xã tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ra Quyết định số 104/QĐ-NH5 cho Phép Ngân hàng phát triển Nhà Thành phố Hà Nội trở thành một ngân hàng thương mại đa năng, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đa dạng cho khách hàng và chính thức đổi tên thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nhà Hà Nội với số vốn điều lệ là 5 tỷ đồng, thời gian hoạt động 99 năm. Theo đó, Trọng tài kinh tế Thành phố Hà Nội đã cấp giấy đăng ký kinh doanh cho Habubank số 055673.

Tháng 10/1992, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có Quyết định số 215/QĐ-NH7 cho phép Habubank thực hiện một số hoạt động kinh doanh ngoại tệ và làm dịch vụ ngân hàng bằng ngoại tệ.
Tháng 2/1993, Habubank chuyển trụ về số 57 Hàng Cót, Hà Nội.

Tháng 3/1995, Habubank hoàn thành việc phát hành cổ phiếu và tăng vốn điều lệ lên 24,3 tỷ đồng. Đến tháng 11, Habubank chuyển trụ sở về Tòa nhà B7 Giảng Võ, Hà Nội.

Tháng 3/1996, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có Quyết định số 58/GP-NH5 cho phép Habubank tăng vốn điều lệ lên 50 tỷ đồng.. Tháng 5/1996, Habubank được mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài để thực hiện hoạt động kinh doanh ngoại tệ và thanh toán quốc tế.

Tháng 2/1999, Habubank chính thức được Hiệp hội Ngân hàng cấp giấy chứng nhận là hội viên của Hiệp hội ngân hàng.

Tháng 8/2000, Habubank được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cấp giấy chứng nhận Bảo hiểm tiền gửi.

Năm 2001, Habubank hoàn thành việc trang bị phần mềm quản lý ngân hàng tập trung và trở thành một trong những ngân hàng đầu tiên của Việt Nam thực hiện việc quản lý dữ liệu tập trung và online toàn hệ thông. Cũng trong năm này, Habubank chính thức trở thành thành viên Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) và mở chi nhánh đầu tiên ngoài địa bàn Hà Nội: Chi nhánh Habubank Quảng Ninh trên cơ sở sáp nhập với Ngân hàng nông thôn Quảng Ninh.

Năm 2003, Habubank khai trương chi nhánh đầu tiên tại khu vực miền Nam - Chi nhánh Habubank Hồ Chí Minh.

Năm 2005, Habubank triển khai dịch vụ Ngân hàng tự động, phát hành thẻ Habubank Vantage, trang bị hệ thống ATM/POS và gia nhập liên minh thẻ VNBC nhằm mở rộng hệ thống chấp nhận thẻ với các ngân hàng thành viên, phục vụ khách hàng tốt hơn.

Tháng 4/2006, Habubank thành lập Công ty Chứng khoán và nhanh chóng trở thành một đơn vị hoạt động có uy tín trên thị trường bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tháng 11, Habubank là một trong bốn ngân hàng đầu tiên tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng. Cũng trong năm này, Habubank được Tạp chí The Banker - tạp chí chuyên ngành về tài chính ngân hàng (Anh) bình chọn là Ngân hàng Việt Nam của năm. Habubank giữ vững danh hiệu này trong 2 năm tiếp theo 2007, 2008.

Tháng 2/2007, Habubank hoàn thành việc lựa chọn ngân hàng Deutsche Bank (Đức) là đối tác chiến lược nước ngoài và tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng. Với những thành tích đã đạt được, Thủ tướng Chính Phủ đã trao tặng bằng khen cho Habubank vào tháng 10/2007.

Tháng 12/2008, Habubank đã vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng Huân chương lao động hạng Ba.

Tháng 12/2009, Habubank hoàn thành việc tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng và ra mắt chính thức Trung tâm dịch vụ khách hàng - mở ra một kênh tiếp cận sản phẩm, dịch vụ mới cho khách hàng của Ngân hàng ngoài thẻ và Internet.

Tháng 8/2010, phát hành thành công 10,5 triệu trái phiếu chuyển đổi (tương ứng 1.050 tỷ đồng).

Tháng 11/ 2010, Habubank chính thức niêm yết toàn bộ 300 triệu cổ phần, tương đương giá trị là 3.000 tỷ đồng lên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), mã cổ phiếu là HBB.
Tháng 9/2011, Habubank đã hoàn tất việc chuyển đổi 10,5 triệu trái phiếu phát hành tháng 8/2010 thành 105 triệu cổ phiếu phổ thông, nâng mức vốn điều lệ lên 4.050 tỷ đồng.

Tin liên quan:

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Chưa có cửa mua bán nợ xấu


Dù Chính phủ đứng ra mua lại hay để các công ty mua bán nợ vào cuộc, việc xử lý nợ xấu vẫn gặp nhiều khó khăn.


Theo ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc HSBC Việt Nam, giải pháp mua bán nợ xấu hiện nay khó thực hiện.

- Quan điểm của ông về ý kiến cho rằng Chính phủ nên đứng ra mua lại những khoản nợ xấu đó, lành mạnh hóa nó rồi sau đó bán lại?

- Sẽ khó thực hiện bởi nếu Chính phủ mua nợ xấu của một ngân hàng A với giá thấp sẽ gây ảnh hưởng lên định giá nợ xấu của ngân hàng khác. Trong khi đó, chưa chắc các ngân hàng đã mặn mà với giải pháp này. Ví dụ điển hình là thời điểm khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 - 2009, Chính phủ Mỹ có đưa giải pháp mua nợ của các ngân hàng, nhưng không hiệu quả, bởi mấy lý do sau. Thứ nhất, không ai dám bán, vì bán sẽ lộ ra là mình có nợ xấu. Thứ hai, chắc chắn Chính phủ muốn mua nợ xấu với giá có lợi cho đất nước; nhưng nếu giá quá thấp thì các ngân hàng không đồng ý, do sẽ phải chịu một khoản lỗ rất lớn cho khoản nợ đó. Do đó, Chính phủ Mỹ cuối cùng đã phải đưa ra giải pháp Ngân hàng Trung ương bỏ tiền mua lại cổ phần của các ngân hàng để vực lại niềm tin.

Bên cạnh đó, với giải pháp mua nợ xấu, Chính phủ cần phải bỏ ra một lượng vốn khá lớn. Tính bình quân, các chính phủ thường tiêu tốn khoảng 13% giá trị GDP khi tái cơ cấu hệ thống tài chính. Con số này trên thực tế có khả năng lớn hơn đối với một số nước, ví dụ Chính phủ Indonesia tiêu tốn 50% giá trị GDP hay hơn 30% tại Thái Lan hoặc nhỏ hơn như Malaysia, khoảng 5%.

- Cũng có ý kiến cho rằng, nên học hỏi kinh nghiệm mua bán nợ xấu của Trung Quốc, vì nước này có vẻ thực hiện thành công?

- Thực ra, chưa ai biết vấn đề nợ xấu của Trung Quốc sẽ diễn ra như thế nào. Vì Trung Quốc hiện nay vẫn tồn tại nợ xấu của các chính quyền địa phương, do bản thân các chính quyền địa phương vay rất nhiều, dùng khoản tiền đó để đầu tư vào các dự án trung - dài hạn, mà khoản vay lại là ngắn hạn. Đến lúc chính quyền địa phương không trả được nợ, thì tình hình nợ xấu của các ngân hàng tại Trung Quốc cũng sẽ khó kiểm soát.

- Như vậy, việc AMC mua lại nợ xấu ở Việt Nam sẽ rất khó thực hiện?

- Việc thực hiện thành công đòi hỏi các điều kiện nêu ở trên. Khi các điều kiện chưa thỏa mãn, các ngân hàng có thể chọn cách bán trực tiếp cho một người, chứ không rao bán trên thị trường.

Điều mà chúng ta kỳ vọng là sau khi hợp nhất, sáp nhập, người ta sẽ phải lành mạnh hóa sổ sách, giải quyết tất cả những gì còn tồn đọng. Tôi cho rằng, việc lập ra một tổ chức để mua lại nợ xấu là một sự lựa chọn, nhưng ở Việt Nam, nhiều khả năng là khó làm trong thời điểm hiện nay.

- Vậy ông đánh giá thế nào về các giải pháp hiện nay của NHNN trong việc xử lý các ngân hàng yếu kém?

- Về chính sách, việc NHNN áp trần tăng trưởng tín dụng là điều rất tốt trong việc lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng. Thay vì tăng trưởng tín dụng trước đây ở mức cao, giờ chỉ còn 17% hoặc thấp hơn. Do đó, các ngân hàng phải lựa khách hàng tốt nhất để cho vay, không phải tăng về lượng, mà phải tăng về chất. Bản thân việc này sẽ giúp nâng cao chất lượng tài sản của ngân hàng.

Bên cạnh đó, cần xem xét lại các quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro. Theo Quyết định 493, các ngân hàng được quyền chọn việc xác định nợ xấu trên cơ sở định tính hoặc định lượng. Chính vì vậy, đến nay, rất ít ngân hàng lựa chọn phân loại nợ theo phương pháp định tính mà đa phần chọn phương pháp định lượng.

Tất nhiên, khi nâng chuẩn, những ngân hàng không đạt chuẩn sẽ phải sáp nhập. NHNN đã có hướng mở cho việc sáp nhập, hợp nhất. Đó cũng là một sự lựa chọn. Nếu bản thân ngân hàng chưa đủ sức, thì nên kết hợp với một ngân hàng mạnh hơn để tồn tại, chứ cứ cố chống chọi thì chưa chắc đã giữ lại được giá trị của bản thân trên thị trường.

Tuy nhiên, theo tôi, nên “mở” hơn cho các thành phần kinh tế tư nhân và ngân hàng nước ngoài tham gia, chỉ có như vậy mới đẩy nhanh được tiến trình này. Ví dụ, ở nước ngoài, khi các ngân hàng nước ngoài tham gia mua lại một ngân hàng yếu kém, xử lý nợ xấu…, các ngân hàng nước ngoài được mua tới 90%, thậm chí 100% cổ phần của ngân hàng yếu kém đó. Ở Việt Nam, theo quy định, sở hữu tối đa của một định chế tài chính nước ngoài tại các ngân hàng trong nước chỉ là 20%, rất khó để họ tham gia thay đổi và nâng cấp tổ chức tín dụng yếu kém.

Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Phương án sáp nhập giữa Habubank và SHB

Trong hơn 1 tháng qua trên thị trường luôn trong tình trạng hoang man về khả năng Habubank và SHB về cùng một nhà. Nhưng sau nhiều bàn bạc, cân nhắc thì cuối cùng các cổ đông Habubank cũng đưa ra quyết định tán thành phương án sáp nhập giữa Habubank và SHB để giải quyết vấn đề xoá hết nợ xấu của Habubank.


Sau khi thủ tục sáp nhập giữa hai ngân hàng Habubank và SHB hoàn tất thì ngân hàng mới sẽ có tên là NHTMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) có vốn điều lệ lên tới gần 9.000 tỷ đồng, quy mô tổng tài sản trên 100.000 tỷ đồng với hơn 500.000 khách hàng và 5.000 nhân viên...

Cũng theo dự thảo sáp nhập, các chủ sở hữu cổ phần của Habubank sau khi sáp nhập vào SHB sẽ được hoán đổi cổ phiếu theo tỷ lệ 1 cổ phần HBB bằng 0,75 cổ phần SHB. Tổng số cổ phần mà cổ đông HBB nhận khi hoán đổi sẽ được làm tròn theo nguyên tắc làm tròn xuống số nguyên gần nhất.

Nếu thương vụ giữa SHB và Habubank thành công thì đây sẽ là thương vụ hợp nhất ngân hàng thứ 2 sau vụ hợp nhất giữa ba Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Đệ Nhất (Ficombank), Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) hồi tháng 12/2011.

Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Xoá nợ xấu - Habubank cùng SHB tiến bước

Theo Đề án sáp nhập sẽ trình ĐHCĐ thường niên sắp tới của Habubank, xu hướng sáp nhập với các tổ chức tín dụng (TCTD) khác nhằm mở rộng quy mô và danh tiếng của ngân hàng trên thị trường đang được đẩy mạnh nhanh chóng và được sự ủng hộ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Việc sáp nhập cũng tạo cơ hội tốt cho ngân hàng thực hiện quá trình tái cơ cấu một cách toàn diện nhằm tạo ra một diện mạo mới cho ngân hàng sẵn sàng để phát triển sau giai đoạn kinh tế khủng hoảng.

Theo Habubank, việc sáp nhập sẽ mang lại những lợi ích to lớn với bản thân HBB nói riêng và 2 ngân hàng nói chung do sẽ đạt được những lợi ích quan trọng như: Sẽ giúp 2 ngân hàng sáp nhập tiến tới trở thành một định chế tài chính vững mạnh và thương hiệu cũng mạnh hơn, Habubank sẽ không còn nợ xấu. Hai ngân hàng sẽ có cơ hội để cùng điều hành một doanh nghiệp có quy mô lớn hơn và có sức cạnh tranh tốt hơn sau giai đoạn sáp nhập.

Việc sáp nhập sẽ giúp mở rộng khả năng phát triển dịch vụ, đặc biệt là hoạt động bán lẻ do mạng lưới phân phối dịch vụ, thị phần lớn hơn. Bên cạnh đó, sẽ bổ sung thêm lợi thế về quy mô trong phát triển kinh doanh, quản lý chi phí.

Những điểm mạnh của ngân hàng nhận sáp nhập sẽ hỗ trợ cho Habubank và ngược lại Habubank có nhiều điểm mạnh để hỗ trợ ngân hàng nhận sáp nhập…

Ngoài ra, còn nhận được sự hỗ trợ và quan tâm của Ngân hàng Nhà nước trong quá trình sáp nhập do việc sáp nhập nằm trong chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.

Nếu tiến hành sáp nhập thành công, theo Habubank, kế hoạch này sẽ tạo ra một định chế tài chính có khả năng tồn tại và phát triển. Định chế này có vốn điều lệ khoảng gần 9.000 tỷ đồng và quy mô tổng tài sản trên 100.000 tỷ đồng, hoạt động khắp các tỉnh thành lớn trong cả nước; có số lượng khoảng 500.000 khách hàng; khoảng 5.000 nhân viên; có các công ty con, có khả năng cung cấp các hoạt động hỗ trợ, gia tăng lợi ích cho khách hàng và tăng thu nhập ngoài lãi cho ngân hàng; có địa bàn hoạt động trong khu vực Đông Dương với các chi nhánh tại Lào và Campuchia; có sự hậu thuẫn mạnh mẽ và có các khách hàng hoạt động trong những lĩnh vực cốt lõi cho sự phát triển của nền kinh tế như: than, khoáng sản, cây công nghiệp (cao su), phát triển hạ tầng và một lực lượng đông đảo các khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong các ngành kinh tế khác nhau; có khả năng cung cấp các dịch vụ hiệu quả và an toàn cho một khối lượng lớn các khách hàng cá nhân...

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Nợ xấu - đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng


(Habubank - vnexpress.net) Nợ xấu là một nhân tố giúp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Đây là đánh giá của TS. Trịnh Quang Anh, Giám đốc nghiên cứu kinh tế - Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank), trong tham luận tại diễn đàn “Kinh tế Việt Nam năm 2012: Khởi động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức tại Đà Nẵng trong hai ngày 8 và 9/4. Trong tham luận của mình, ông Trịnh Quang Anh thông tin.


Theo Thông tư số 35, chậm nhất ngày 15/6/2012 tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế sẽ được Ngân hàng Nhà nước công bố. Trước thời điểm này, một số phân tích độc lập cũng đã ước tính những con số đáng tham khảo.

Tuần rồi, hãng định mức tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings cho rằng tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam có thể cao gấp 4 lần con số 3,3% được công bố. Ở đây có sự khác biệt quá lớn, có thể xuất phát từ cơ sở phân loại theo các tiêu chuẩn quốc tế hoặc tiêu chuẩn của Việt Nam. Còn nếu theo tỷ lệ 3,3%, con số nợ xấu của hệ thống ước tính là hơn 90.000 tỷ đồng.

Chúng tôi ước tính, nếu hạch toán đúng và áp dụng chuẩn quốc tế về phân loại nợ, nợ xấu ngân hàng thực chất sẽ đạt tới mức ít nhất là 10% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, tức khoảng trên 10 tỷ USD, chiếm gần 10% GDP hiện hành của Việt Nam”.

Và quan ngại được đưa ra, nếu so sánh mức nợ xấu này với mức vốn tự có đã điều chỉnh theo quy định hiện hành cộng với quỹ dự phòng rủi ro tín dụng đã được trích lập, tỷ lệ này sẽ vượt quá 50% - mức báo động đỏ. Nhìn nhận này được diễn giải thêm, nhiều tổ chức tín dụng thực chất đã bị cụt hết vốn (hệ số CAR âm), tức đã mất khả năng thanh toán nhưng vẫn tạo vỏ bọc bên ngoài là chỉ bị khó khăn về thanh khoản.

Trong tổng số dư nợ cho vay bất động sản của các tổ chức tín dụng được báo cáo - hiện khoảng trên 200.000 tỷ đồng (chưa tính các khoản cho vay dưới hình thức đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đảo nợ qua ủy thác đầu tư…), số đầu tư vào phân khúc phát triển dự án xây dựng và đầu cơ bất động sản ước chiếm tới 90%. Trong bối cảnh thị trường bất động sản tiếp tục đóng băng, sụt giá và chưa có dấu hiệu hồi phục tới cuối 2012, riêng nợ xấu từ khu vực này có thể chiếm tới 60% tổng nợ xấu ngân hàng.

Nợ xấu gia tăng tạo thêm áp lực cho khó khăn thanh khoản; sức ngân hàng yếu đi và dễ bị “dồn” đến yêu cầu tái cơ cấu, nhất là khi các cửa tìm vốn bị siết lại.

Thanh khoản hệ thống vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn do vấn đề nợ xấu ngân hàng chưa thể được giải quyết sớm. Thêm vào đó, sự kiện trần lãi suất huy động được tái áp đặt đầu tháng 9/2011 đã đẩy hệ thống vào nguy cơ rủi ro cao hơn khi mà vấn đề thanh khoản hệ thống chưa được giải quyết, và chắc chắn chưa thể được giải quyết sớm khi gốc của vấn đề là chất lượng tài sản ngân hàng thấp và có nguy cơ ngày càng xấu đi (chủ yếu do các yếu tố ngoại sinh: điều kiện vĩ mô chưa được cải thiện vững chắc, các thị trường tài sản tiếp tục suy giảm hoặc đóng băng, sản xuất có dấu hiệu rơi vào đình trệ...).

Với các ngân hàng yếu kém, từ gánh nặng nợ xấu gia tăng, thanh khoản trở nên ngột ngạt hơn khi cộng thêm khó khăn huy động vốn với trần lãi suất. Tình thế buộc phải vượt trần có từ đây. Nhưng đó không phải là con đường chính yếu và lâu dài, họ buộc phải dựa vào huy động ở thị trường 2 - liên ngân hàng.

Thế nhưng, nợ xấu liên ngân hàng nổi lên. Các điều kiện cầm cố, thế chấp xuất hiện phổ biến và thị trường liên ngân hàng rơi vào tình trạng “đóng băng”. Lãi suất liên ngân hàng vừa qua có xu thế giảm khá rõ rệt, tuy nhiên không phán ánh đúng cung - cầu vốn khi mà phạm vi lẫn quy mô của thị trường bị thu hẹp do các ngân hàng hạn chế cho vay và tập trung thu hồi nợ liên ngân hàng đã khiến khối lượng giao dịch sụt giảm.

Và điểm đến cuối cùng là: “Một số ngân hàng thiếu hụt thanh khoản, khi không thể huy động được vốn trên cả thị trường 1 lẫn thị trường 2, đường cùng đã buộc phải tìm đến cửa sổ tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước và chấp nhận các điều kiện kiểm soát khắt khe hay yêu cầu tái cơ cấu của cơ quan quản lý”.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là: “Khi đã ‘dồn’ được một số ngân hàng yếu kém vào tái cơ cấu, chi phí sẽ hết bao nhiêu và lấy tiền ở đâu, rộng hơn là để tái cơ cấu cả hệ thống?”.

“Giả thiết tổng chi phí tái cấu trúc hệ thống tổ chức tín dụng chiếm khoảng 15-20% GDP và ít nhất 60% số tiền này phải có ngay trong năm 2012 để trước hết là làm sạch bảng cân đối kế toán của các tổ chức tín dụng, nếu vậy, nguy cơ phải cầu viện đến sự giúp đỡ của các tổ chức tài chính quốc tế như IMF, là hoàn toàn hiện hữu. Khi đó, sự suy giảm chủ quyền trong quản lý, điều hành hoạt động ngân hàng cũng như nguy cơ thị phần hoạt động của các tổ chức tín dụng trong nước bị chiếm lĩnh bởi các ngân hàng và nhà đầu tư nước ngoài là dễ nhận thấy.

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Bài toán xử lý nợ xấu


Habubank - Tình hình có thể sẽ khó khăn hơn do ảnh hưởng từ kinh tế toàn cầu suy giảm. Có lẽ đã đến lúc tính đến bài toán xử lý nợ xấu.


Thấy gì từ cách làm của nước ngoài?

Gần đây có tin một số ngân hàng lớn của Mỹ (JPMorgan và Bank of America chẳng hạn) đã bắt đầu nỗ lực hoãn các vụ tịch thu tài sản để trả nợ và nỗ lực làm việc với các chủ nợ để họ vẫn có thể trả tiền.

Các biện pháp phổ biến là giảm lãi suất và giảm giá trị các khoản chi trả để người vay tiền vẫn có thể trả tiền và “không bị ném ra khỏi nhà” (nếu dùng nhà để thế chấp cho khoản vay). Liệu các ngân hàng của Việt Nam có nên giãn nợ, kéo dài kỳ hạn cho vay, giảm lãi suất hay khoan đòi nợ quá gấp một số người đi vay như các ngân hàng ở Mỹ?

Mặt khác, Mỹ và châu Âu cũng đã bơm tiền vào các ngân hàng, nhờ đó nhiều ngân hàng lớn đã mua lại các ngân hàng và tổ chức tín dụng nhỏ đang trên bờ vực phá sản. Hành vi thâu tóm và mua lại như vậy có thể giúp những chính sách hỗ trợ khách hàng của ngân hàng lớn áp dụng luôn cho khách hàng của ngân hàng nhỏ.

Đây là gợi ý rất tốt cho việc xử lý tình hình nợ xấu của ngân hàng Việt Nam. Nếu sắp tới nhiều ngân hàng gặp khó khăn do các khoản nợ xấu bắt nguồn từ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và xuất khẩu, thì các ngân hàng ít gặp vấn đề hơn có thể mua lại các ngân hàng có vấn đề, đồng thời Nhà nước có thể tính đến giải pháp hỗ trợ thanh khoản và vốn cho ngân hàng còn khỏe mạnh.

Có ý kiến cho rằng những giải pháp cứu thị trường của Mỹ là không thấm vào đâu, và chỉ là cầm máu tạm thời cho vết thương quá lớn. Nhưng rõ ràng là, bị thương chảy máu nhiều mà không cầm máu thì chết mất.

Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống và tạo điều kiện cho ngân hàng còn khỏe mua lại ngân hàng gặp vấn đề, để rồi các ngân hàng thỏa thuận với người vay để có một giải pháp đảm bảo người vay vẫn có thể trả nợ dần dần mà không bị siết nợ đến nỗi bị tịch thu tài sản hay phá sản. Điều này đặc biệt quan trọng nếu tình hình nợ xấu lan sang khu vực xuất khẩu.

Một giải pháp cũng có thể nghĩ đến là ngân hàng cho các khách hàng mới vay để mua lại các tài sản của khách hàng cũ với thời hạn vay dài hơn. Đương nhiên, khách hàng mới phải khỏe mạnh hơn khách hàng cũ.


Đặc điểm riêng của Việt Nam

Tuy có thể rút ra một số gợi ý từ cách làm của nước ngoài, nhưng cũng nên thấy những đặc điểm riêng của Việt Nam.

Thứ nhất, nợ xấu đối với lĩnh vực bất động sản của Việt Nam có điểm khác biệt với nợ xấu của các khoản cho vay thế chấp nhà ở tại Mỹ. Đó là một số dự án bất động sản của Việt Nam còn đang ở trên giấy, chứ không phải căn nhà hẳn hoi.

Mặt khác, các bất động sản của Việt Nam được bản thân doanh nghiệp và các nhà đầu cơ đẩy giá lên, vượt quá nhiều so với giá trị thật của chính bất động sản đó. Cho nên, độ rủi ro của chúng có thể là tương tự những chứng khoán được hình thành từ các khoản vay thế chấp bất động sản dưới chuẩn, chứ không phải là độ rủi ro của chính các khoản vay này. Nói cách khác, những dự án này tương tự như những tài sản “độc hại” của Mỹ.

Và kinh nghiệm của Mỹ cho thấy bỏ tiền vào cứu bản thân những tài sản “độc hại” này không phải là một cách tốt, mà nên bỏ tiền vào hỗ trợ ngân hàng, sau đó ngân hàng lại hỗ trợ cho người đi vay, chứ không phải là cho các tài sản “độc hại”. Nói cách khác, muốn hỗ trợ người đi vay của Việt Nam, cũng nên lựa người mà hỗ trợ.

Những tài sản “độc hại” kiểu dự án trên giấy có lẽ không nên cứu mà nên ưu tiên tín dụng cho xuất khẩu, kế đến là các khoản vay phát triển dự án bất động sản đáp ứng nhu cầu thực sự, loại bỏ những dự án đầu cơ và trên giấy. Muốn đạt được sự sàng lọc này, phải xuất phát từ chất lượng quản trị của ngân hàng, một điều có thể đạt được thông qua việc sáp nhập các ngân hàng.

Đặc điểm thứ hai là người Việt Nam ít chịu minh bạch thông tin. Ngân hàng, doanh nghiệp đều không minh bạch thông tin cho nhau, nên khó mà thương thảo (không tin nhau thì làm sao mà thương lượng). Về mặt này, vấn đề phụ thuộc vào năng lực của ngân hàng và doanh nghiệp.

Một số ngân hàng Việt Nam hiện nay đang chuyển đổi các khoản nợ kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài, vẫn tiếp tục cho vay mà tài sản đảm bảo là bất động sản, nhằm tăng vòng quay vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể trả lãi và vốn được.

Bên cạnh đó, với việc giảm lãi suất cơ bản và dự trữ bắt buộc, chúng ta cũng đang dần nhận ra tín hiệu cho thấy việc “xích lại gần hơn” giữa doanh nghiệp và ngân hàng. Các ngân hàng vẫn có thể chấp nhận một tỷ lệ nợ xấu nào đó để có thể tiếp tục tài trợ cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có phương án kinh doanh khả thi.

Vấn đề là, cần có giải pháp dự phòng trong tình huống thanh khoản các ngân hàng gặp khó khăn, cần đến vai trò của “người cho vay cuối cùng” là Ngân hàng Nhà nước.

Muốn gỡ nút thắt này, vấn đề cuối cùng, xem ra phải quay về những người thắt nút. Ai giỏi gỡ nút thì nên được Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn. Ai mà thắt nút chặt quá, giờ tự gỡ không ra, mà không chịu chấp nhận có người đến gỡ phụ (để ngân hàng khác mua lại hay đầu tư vào), thì nên bị trừng phạt.

Vấn đề có lẽ sẽ nan giải hơn nếu những ngân hàng có nhiều nợ xấu lại là ngân hàng quốc doanh, vì khó có thể để tư nhân mua lại ngân hàng quốc doanh. Khi đó có lẽ phải cấu trúc lại giữa các ngân hàng quốc doanh với nhau mà thôi, nghĩa là để các ngân hàng quốc doanh “hỗ trợ” lẫn nhau, nhưng ai đã gặp nhiều nợ xấu quá thì phải chịu “kỷ luật”, ví dụ như phải trả lãi suất cao hay ban giám đốc phải chịu trách nhiệm.

Giám đốc ngân hàng tư nhân không tròn trách nhiệm thì bị áp lực “kỷ luật thị trường” từ phía cổ đông, giám đốc ngân hàng quốc doanh mà không tròn trách nhiệm thì sẽ chịu kỷ luật gì đây?